.Tất cả là màu đen. Rồi dần dần là màu vàng của da người. Một đốm sáng lóe của điếu thuốc. Rồi qua đi. Bụng nàng nổi sóng. Những hạt mồ hôi lóng lánh như sương. Tất cả tạo nên một âm hưởng tràn trề sức hồi sinh..
Anh thì thầm vào tai tôi: - Thế là đã mười một năm. Nhanh quá!Tôi đáp:
- Vâng, nhanh quá.
…Phim chuyển sang quay cảnh bến phà. Một mặt sông đầy những bụi bèo đâu phiêu bạt. Một con trâu cô đơn ngụp lặn giữa dòng…
Anh lại nói:
- Em đẹp và quyến rũ hơn ngày xưa nhiều.
- Vâng. Gái một con mà.
Rồi anh ho. Tôi quay sang nhìn. Một khuôn mặt đàn ông chính hiệu, pha sự no đủ của vật chất. Tôi cười:
- Bụng anh phệ rồi.
- Em cũng tuyệt vời! – Tôi đáp và chợt nhớ đến những giọt nước mắt của Nàng khóc khi xa anh chàng người Hoa. Phim Người Tình.
Đường mưa mù mịt. Tôi im lìm ngồi gọn sau xe anh, trong một chiếc áo mưa trắng đục. Những bóng mờ xanh, rồi đỏ chạy ngược lại bên đường. Còn đâu chàng trai hơn hai mươi ngày ngày đợi cô bé học ôn thi bên gốc sấu. Còn đâu chút e lệ nơi khóe mắt mỗi khi chàng trai tới nhà thăm “anh, chị” mà cô bé gọi là bố mẹ. Hết tất cả. Sau mười một năm, họ vô tư nói chuyện con cái, gia đình và tiền bạc. Và vẫn ngồi bên nhau để xem một phim tình yêu.
- Chúc anh ngủ ngon! – Tôi thốt lên khi xe dừng lại ở cửa nhà nghỉ. Tôi đi công tác, ghé lại thành phố có anh đang sống.
- Chúc em ngủ ngon! – Anh đáp.
- Hãy yêu và thương vợ anh. Chị ấy thật tuyệt khi để cho chúng ta đi với nhau. – Tôi nói.
Anh gật đầu.
Tôi vào nhà. Khách sạn nơi tôi ở im lìm và yên tĩnh.
Vào góc phòng nơi có chiếc giường đệm dành cho mình, tôi nằm xuống. Tiếng con thạch sùng tắc lưỡi. Thời giang qua đi như chớp mắt. Vẫn còn nhớ tôi đã khóc khi đi cùng anh qua những phố tràn trề mùi hoa sữa đường Nguyễn Du. Tôi – ngày ấy là một cô bé con nhí nhảnh chưa biết yêu là gì. Anh – chàng trai từng trải lại cứ muốn gửi gắm tình yêu nơi tôi, làm sao tôi dám nhận. Mà tôi cũng có biết tình yêu là cái gì mà giữ nó vào lòng? Anh cũng thế thôi. Bao giờ cũng thế, cô yêu đấy nhưng không bao giờ hết lòng. Anh bước một bước rồi dừng. Cứ nhích tí một đến với tôi. Cô bé tuổi mười lăm – hôm nay hai mươi sáu, luôn muốn một cái gì như gió bão chứ không đủ sức chịu thấm lâu của mưa ngâu.
Thế nào nhỉ. Thời gian qua, tôi và anh đều để ý nhau, theo dõi xem người xưa sống ra sao. Thậm chí, có những lúc ngồi gợi thương gợi nhớ lại một cái dĩ vãng rất bình thường nhưng bỗng nên thơ hết sức.
Anh thành đạt. Tôi cũng thành đạt. Hình như còn no đủ nữa, giữa cuộc đời ô trọc này. Hồi tối, tôi hỏi:
- Anh có hạnh phúc không?
- Không.
- Vậy sao anh có hai con?
- Cho hết trách nhiệm.
- Với ai?
- Với đời.
Tôi cười. Người ta cứ hay không nhìn thấy mọi chuyện của đời mình là do mình mà ra. Lại cứ thích thi vị và biến hóa những cái rất nhỏ nhặt thành cao siêu. Để làm gì? Khi tất cả đều lọc lõi về đời và khôn ngoan cả. Thà anh cứ bảo rằng: Anh có thời yêu em và bây giờ cũng vẫn yêu. Còn chuyện anh lấy vợ, đẻ con và làm giàu là chuyện khác. Tôi có lẽ sẽ vui hơn mặc dù những lời đó có phần nghiệt ngã. Ai cũng có phần cao siêu và nhỏ mọn. Tôi không muốn nói anh nhỏ mọn bởi anh đang có lý tưởng của nhiều người. Chỉ có điều, anh hãy cứ sống như anh đang sống, mơ ước tìm lại một tình yêu đã mất làm gì?
Trước đây, mỗi khi thất vọng về cuộc đời hay người chồng, tôi thường an ủi: Biết thế mình lấy anh, anh yêu mình thế chắc sẽ hạnh phúc. Rồi tưởng tượng ra anh cũng đang chờ đợi tôi, ở mộg góc trời.
Đêm xuống. Mưa gõ nhịp lên cái máng tôn. Mưa như ru ngoài cửa sổ. Tôi không ngủ được và chờ đến sáng. Ngày mai, tôi sẽ về lại Hà Nội, trước thời hạn mười ngày. Tôi hẹn anh ba ngày nữa đi Lái Thiêu chơi. Sẽ không đi đâu cùng anh dù một phút, một giây. Sợ rằng nếu đi với anh lâu, chúng tôi sẽ nói đến chuyện bệnh tật hay ỉa đái của con. Mánh lới kiếm tiền bon chen để sống. Những chuyện đó, tôi có thể nói với bất cứ ai, trong cái đám đông như kiến kia, với một bà bán nước hay một người tên cùng chuyến tàu. Với anh, đâu có phải để nói những chuyện đó.
Mưa triền miên. Tôi nhắm mắt lại… Hiện ra cảnh chàng trai người Hoa sắp đi lấy vợ, đau đớn bắt người tình của mình phải nói rằng nàng yêu chàng vì tiền, vì nàng là con điếm. Và nàng đã nói một cách mạch lạc, rồi đêm về nằm khóc một mình… Mưa êm êm. Xa xa. Thôi. Vĩnh biệt. Một mối tình trẻ con như một kho lương khô cho cuộc sống. Lúc nào giận vợ, giận chồng mang lương khô ra ăn. Hãy cứ để nó mãi mãi là lương khô, đừng bắt nó là cái khác.
Hồi tối, anh bảo:
- Anh mới mua được vài mảnh đất. Ở Sài Gòn, bây giờ, đó là mốt.
- Còn gì nữa? – Tôi hỏi.
- Và lâu lâu đi bia ôm. – Anh cười
- Để làm gì?
- Đàn ông mà! – Anh tắc lưỡi ra vẻ phải làm một việc bất đắc dĩ.
Tất cả mọi chuyện, từ đẻ vài đứa con đến uống rượu say xỉn hay ngồi với gái làm tiền qua đêm cũng là bất đắc dĩ hay vì nghĩa vụ? Tôi ngoảnh nhìn anh như một kẻ xa lạ. Một vẻ ăn chơi đàng điếm và trải đời. Đấy không phải là chàng trai thơ mộng nghèo khổ năm nào.
Tôi thở dài. Hình như đã hết mưa. Ai bảo mưa Sài Gòn chóng tạnh? Tôi thì thấy mưa Sài Gòn dai dẳng và thừa thãi nước một cách vô lý … Tiếng con thạch sùng chép miệng.
Bạn tôi hỏi: Hai người gặp nhau có hôn nhau không?
Tôi cười. Ngày xưa chưa hôn. Bây giờ không hôn và sẽ không bao giờ hôn cả.
- Lạ vậy? Hết yêu rồi sao?
- Không biết nữa …
Tôi đóng cửa ra đường. Mưa tí tách rơi, êm đềm.
Tạm biệt Sài Gòn với những hồi hộp của tuổi học trò mộng mơ vơ vẩn.
Hỡi con người. Ai đó. Giống tôi. Đã từng có một mảnh tình chạy qua đời, hãy để nó vào chỗ của nó. Đừng lôi nó ra mà soi, mà ngắm làm gì. Mọi thứ đã an bài. Đời người bạc bẽo. Một giọt mưa bắn vào môi tôi man mát. Có lẽ, lúc về già, tôi lại mãn nguyện kể với đứa cháu rằng: Ngày xưa, bà đã có một tình yêu. Một tình yêu tuyệt đẹp theo bà suốt cuộc đời, cháu ạ!